Nguồn gốc Đại Nam Long tinh

Thiếu tướng Hải quân Nga Konstantin Aleksandrovich Panferov với Đại Nam Long tinh (ngoài cùng bên phải).

Theo điển lệ nhà Nguyễn, các quan lại có công, được triều đình ban thưởng kim khánh hoặc kim tiền để ghi nhận.[2] Sau khi tước bỏ chủ quyền của triều đình Đại Nam bằng Hòa ước Giáp Thân (1884), Bộ trưởng Hải quân Pháp Alexandre Peyron và Đặc sứ Pháp Jules Patenôtre đã thiết kế ra một loại huân chương dành tặng thưởng cho các viên chức có công với thuộc địa mới. Loại huân chương này được gọi là "ordre impérial du Dragon d'Annam", phỏng theo cơ chế của Bắc đẩu bội tinh. Tuy nhiên, mãi sau khi đưa vua Đồng Khánh lên ngôi, chính quyền bảo hộ Bắc và Trung kỳ mới chính thức đặt ra cơ chế bội tinh này ngày 14 tháng 3 năm 1886,[3] với lý do để đánh dấu sự hợp tác giữa triều đình Huế và nước Pháp, hay đúng ra sự can thiệp trực tiếp của chính phủ Bảo hộ vào nội bộ triều chính nhà Nguyễn.[4] Theo mốc thời gian thì cơ chế bội tinh này khai sinh 6 tháng sau khi vua Đồng Khánh được tấn phong hoàng đế dưới sự giám sát của người Pháp. Triều đình Huế sau đó buộc phải chuẩn định cơ chế bội tinh này với vài sửa đổi nhỏ. Về danh nghĩa, bội tinh do toàn quyền Hoàng đế ban cấp.

Mười năm sau, Đại Nam Long tinh được chính phủ Pháp thâu nạp là một trong bảy loại huân chương của thuộc địa.[5] Vì vậy, Đại Nam Long tinh còn được trao tặng cho các quan viên nước ngoài theo đề nghị của chính phủ bảo hộ.[6] Giấy khâm cấp cũng được bổ sung thêm phần tiếng Pháp bên cạnh phần chữ Hán.